Vị thầy thuốc đặc biệt nơi biên giới

Vừa là thầy thuốc nhưng cũng là bệnh nhân, hơn ai hết, lương y Phạm Trọng Hùng, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai thấu hiểu tâm tư và cả nỗi đau từ mỗi người bệnh.

Vừa là thầy thuốc vừa là bệnh nhân

Nằm trên con phố sầm uất tại số 63, Cốc Lếu, TP Lào Cai, ngôi nhà nhỏ của Lương y Phạm Trọng Hùng lúc nào cũng có người vào, ra. Ngôi nhà luôn tràn đầy cảm giác ấm áp, ân tình và đôi khi là cả những sẻ chia từ niềm vui nho nhỏ cho đến nỗi buồn chất chứa.

Chúng tôi gọi Lương y Phạm Trọng Hùng là đặc biệt bởi, trái tim của ông và bệnh nhân như cùng nhịp đập khi chính thầy thuốc cũng là người bệnh. Có lẽ vì thế nên mỗi bài thuốc, mỗi lá cây, ngọn cỏ đều chứa đựng biết bao tâm huyết, ân tình.

anh-hung-3.jpg
Lương y Phạm Trọng Hùng có sự đồng cảm đặc biệt với mỗi người bệnh, bởi ông vừa là thầy thuốc vừa là bệnh nhân…
Cách đây độ chục năm, Lương y Hùng thường lùng sục khắp đại ngàn Hoàng Liên Sơn lục tìm thuốc quý. Với mỗi loại dược liệu hiếm, ông thường đem về khu vườn rộng lớn ven thị trấn Sa Pa để nhân giống đồng thời làm nguyên liệu bốc thuốc chữa bệnh.

Lương y Phạm Trọng Hùng không chỉ bốc thuốc mà còn sẻ chia, đồng cảm, tạo động lực cho bệnh nhân vượt qua khó khăn…
Lương y Phạm Trọng Hùng chia sẻ: Trước đây, vựa thuốc Hoàng Liên Sơn chưa bị khai thác quá mức, ông chỉ cần bỏ ra một ngày lên núi đã có thể đem về cả tạ thuốc quí, đủ chữa bệnh cho nhiều người. Nhưng rồi, cơn sốt thần dược từ bùng nổ, người dân địa phương ồ ạt lên rừng tận thu thảo thược quí đem bán với giả rẻ mạt.

Chứng kiến cảnh vựa thuốc lớn nhất nhì cả nước bị tàn phá, trong lòng vị Lương y xóm núi như lửa cháy, đứng ngồi không yên… kể từ đó, ông bắt đầu cuộc chạy đua bảo vệ nguồn thảo dược quí. Ông vừa lên rừng lấy thuốc chữa bệnh, vừa lập khu vườn thuốc nam ven núi. Ông sưu tầm những loại thuốc quí về trồng, nhân giống và bảo tồn.

Đến những năm 2010 – 2012, nguồn thuốc quí quanh dãy núi Hoàng Liên gần như cạn kiệt, nhưng cơn khát thảo dược vẫn chưa nguôi nơi rẻo cao biên giới, ông Hùng cũng như những người làm Đông Y nơi đây phải tốn nhiều công sức cho việc tìm thảo dược.

Lương y Phạm Trọng Hùng tiết lộ: “Nguồn thuốc chữa bệnh của gia đình tôi phần lớn được lấy từ dãy núi Hoàng Liên Sơn. Vì thế, bảo tồn nguồn dược liệu quí là vô cùng quan trọng… Tôi đã lập được một số vườn thuốc quí ở Lai Châu, Sa Pa, Cam Đường… Những vườn thuốc này có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trước mắt, nhưng về lâu dài thì khôi phục, bảo tồn được những loại thuốc quí trên khắp dãy Hoàng Liên Sơn vẫn quan trọng hơn”.

img_3106-1-.jpg
Từ lâu, ngôi nhà nhỏ của Lương y Phạm Trọng Hùng trở thành nơi bốc thuốc và chia sẻ vui buồn trong cuộc sống với người bệnh.

Truyền thống chữa bệnh lâu đời

Được biết, gia đình Lương y Phạm Trọng Hùng có truyền thống đông y lâu đời với nhiều bài thuốc được lưu truyền từ đời này qua đời khác, giúp chữa bệnh cho nhiều người.

Ông Hùng kể lại: Gia đình ông quê gốc ở Nam Định. Năm 1962 ông lang Đĩnh (ông nội của Lương y Hùng) cùng vợ con di cư lên Lào Cai sinh sống. Mới đặt chân đến Lào Cai, ông lang Đĩnh đã choáng ngợp trước một mảnh đất bạt ngàn cây thuốc. Mỗi khi có người ốm, ông lang Đĩnh chỉ cần ra vườn hái thuốc về cho người bệnh sắc lên uống, chỉ thời gian ngắn là khỏi.

Chỉ ít lâu sau khi đặt chân đến đất Lào Cai, chính quyền địa phương đã mời ông lang Đĩnh vào Hội Đông y. Ông lang Đĩnh cũng chính là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Đông y tỉnh Lào Cai.

Theo ông Hùng thì hồi 12 – 13 tuổi, ông đã được ông nội dạy nghề bốc thuốc, mỗi khi ông nội lên rừng hái thuốc chữa bệnh đều dẫn cháu đích tôn theo. Lâu dần thành quen, những bài thuốc gia truyền của dòng họ chẳng mấy chốc đã được Lương y Hùng nắm rõ.

img_4417.jpg
Theo truyền thống gia đình, Lương y Phạm Trọng Hùng đã truyền lại những bài thuốc cổ phương cho người thân, con cháu, hi vọng thế hệ sau sẽ tiếp tục chữa cứu người…

Thấy cháu say mê nghề bốc thuốc, ông lang Đĩnh bảo cháu tự đến các bìa rừng hái thuốc bán lại cho Hội Đông y. Đổi lại, mỗi mẻ thuốc cháu nhận được một hào. Từ đó, cái nghiệp gia truyền của dòng họ cũng ngấm dần vào cơ thể cháu như là duyên nợ.

Hiện Lương y Phạm Trọng Hùng đã truyền dạy lại nghề bốc thuốc cho các con trong gia đình, hy vọng sau này, những bài thuốc quý sẽ được thế hệ sau kế thừa và tiếp tục chữa bệnh được cho nhiều người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *