Bài thuốc an thần dưỡng huyết chữa chứng hay quên

04-09-2023 10:51 AM | Thầy giỏi – thuốc hay

SKĐS – Hay quên là tình trạng thường gặp, nhưng thường xuyên hay quên lại là vấn đề cần lưu ý. Có thể dùng một số bài thuốc dưới đây ở người mắc chứng hay quên…

1. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh hay quên

Hay quên là một tên gọi khác của bệnh đãng trí, là một phần bình thường của sự lão hóa chỉ hiện tượng con người bỗng dưng không thể nhớ lại một số sự kiện trong quá khứ ở một mức độ đáng kể. Hay quên là dấu hiệu đầu tiên và thường gặp nhất trong các bệnh thoái hóa thần kinh.

Bệnh thường diễn biến âm thầm và nặng dần theo tuổi tác. Đây cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh Alzheimer hoặc các bệnh lý khác…

Chứng hay quên trong Đông y được gọi là kiện vong và  có nhiều thể bệnh khác nhau.

– Nguyên nhân: Hay quên có rất nhiều nguyên nhân gây ra, như tổn thương các khu vực của não nơi quan trọng để xử lý bộ nhớ dẫn đến hiện tượng kém dần của trí nhớ và nhận thức do suy thoái không ngừng của não bộ.

Bài thuốc an thần dưỡng huyết chữa chứng hay quên - Ảnh 1.

Cây địa hoàng cho ta vị thuốc sinh địa hoàng chữa chứng hay quên.

+ Những tổn thương não có thể gặp gây bệnh hay quên gồm có: Các bệnh lý động kinh, Alzheimer, đột quỵ; U não, nhiễm trùng não, có cục máu đông trong não; thiếu oxy lên não, nhiễm độc CO; nghiện các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cafe, ma túy; do tác dụng phụ của thuốc, do thiếu vitamin như vitamin B12.

+ Hay quên còn có nguyên nhân do các vấn đề về tinh thần như stress, căng thẳng, lo âu, hay các vấn đề bệnh lý rối loạn tuyến giáp, thận, gan. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến chứng hay quên ở tuổi dậy thì, ở người trẻ tuổi chứ không còn tập trung ở người có tuổi.

Khi có các biểu hiện về hay quên và mất tập trung, người bệnh ở mọi lứa tuổi cần đi khám để nhận lời khuyên của bác sĩ và điều trị sớm tránh ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt.

Về nguyên nhân gây bệnh và phép điều trị, Nam dược thần hiệu ghi: “Lo nghĩ thái quá thương tổn đến tâm, tâm đã thương tổn thì huyết hao kiệt, tâm thần không vững, lại hại đến tỳ, làm vị khí suy yếu, cho nên bệnh này phát ra đều bởi hai tạng tâm và tỳ. Phép chữa nên an thần dưỡng huyết, bớt tư lự trừ hư phiền, có vậy mới bảo đảm được khỏi bệnh”.

– Triệu chứng: Những dấu hiệu của bệnh hay quên: Ban đầu thường là quên đồ đạc, quên tên, quên lịch làm việc…

Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh có thể gây ra các biểu hiện như sau: Rối loạn về hành vi như đi lang thang, lạc đường, quên cách nấu ăn, khó thực hiện các động tác phối hợp. Gặp khó khăn về ngôn ngữ như khó tìm ngôn ngữ để diễn đạt, nói lặp, hay nhắc lại chuyện đã nói, kể chuyện không có trình tự. Gặp các vấn đề về tìm kiếm từ ngữ diễn đạt và đi lại khó khăn.

Bài thuốc an thần dưỡng huyết chữa chứng hay quên - Ảnh 2.

Hạt sen tăng tâm chí, sáng tai mắt.

Ngoài ra, người mắc chứng hay quên có những thay đổi về trí nhớ, nhân cách và hành vi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể mắc các bệnh như Alzheimer, sa sút trí nhớ, nhồi máu đa dạng…

Vì vậy, khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần đi kiểm tra và khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và điều trị hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt và vận động hàng ngày.

2. Các thể bệnh hay quên và thuốc trị

2.1. Hay quên do thận âm hư

– Phép điều trị: Bổ ích tâm thận.

– Phương thuốc: Lục vị địa hoàng gia ngũ vị viễn trí.

– Thành phần bài thuốc: Can địa hoàng 8 đồng cân (1 đồng cân = 3,1g), sơn thù 4 đồng cân, phục linh 3 đồng cân, hoài sơn 4 đồng cân, trạch tả 3 đồng cân, đơn bì 3 đồng cân.

– Phương giải bài thuốc: 

  • Địa hoàng để bổ thận âm, sơn thù để tư thận ích can, hoài sơn để tư thận bổ tỳ. 
  • Đơn bì để tả can hỏa, trạch tả để tư thận giáng trọc. 
  • Phục linh để kiện tỳ thẩm thấp. 
  • Thêm ngũ vị tử để liễm nạp khí, viễn chí để an thần.

2.2. Hay quên do tâm khí không đủ

– Triệu chứng: Chóng quên, tim đập hồi hộp, đạo hãn.

– Phép điều trị: An thần củng cố khí.

– Phương thuốc: Thiên vương bổ tâm đan.

– Thành phần bài thuốc: Sinh địa 4 lạng (1 lạng = 31,25g), đan sâm 5 đồng cân, thiên môn 2 lạng, bá tử nhân 2 lạng, quy thân 2 lạng, ngũ vị tử 5 đồng cân, cát cánh 5 đồng cân, nhân sâm 5 đồng cân, huyền sầm 5 đồng cân, mạch môn 2 lạng, toan táo nhân 2 lạng, bạch linh 5 đồng cân, viễn chí 5 đồng cân, chu sa 2-5 đồng cân.

– Phương giải bài thuốc:

  • Sinh địa, mạch môn, thiên môn, huyền sâm để tư âm thanh hư nhiệt để ích khí ninh tâm. 
  • Táo nhân ngũ vị để liễm tâm khí, an tâm thần. 
  • Bá tử nhân, viễn chí, chu sa để dưỡng tâm an thần.
Bài thuốc an thần dưỡng huyết chữa chứng hay quên - Ảnh 3.

Nhân sâm trong bài Quy tỳ thang chữa hay quên do tâm tỳ hư.

2.3. Hay quên do tâm tỳ hư

– Triệu chứng: Chóng quên, tim đập hồi hộp, mất ngủ, mộng nhiều, ăn kém, bụng chướng, đi ngoài lỏng, mệt mỏi, lưỡi nhợt, mạch tế hư.

– Phép điều trị: Bổ tâm ích khí.

– Phương thuốc: Hạt sen (liên tử) tán nhỏ, nấu cháo hoa, lấy nước cháo 1 bát nấu với 2 đồng cân bột sen, sôi hai dạo rồi ăn, ăn càng lâu càng tốt, để tăng tâm chí sáng tai mắt.

2.4. Hay quên do đờm trọc, đờm ẩm tràn lên

– Triệu chứng: Chóng quên, người nặng nề, bụng chướng đờm nhiều.

– Phép điều trị: Hóa đờm ninh thần.

– Phương thuốc: Phục linh thang.

– Thành phần bài thuốc: Nhân sâm 1 đồng cân, bán hạ 1 đồng cân, cam thảo 1 đồng cân, ích trí nhân 1 đồng cân, trúc lịch 2 thìa, trần bì 1 đồng cân, phục linh 1 đồng cân, hương phụ 1 đồng cân, ô mai 1 đồng cân, gừng nước cốt 2 thìa.

– Phương giải bài thuốc: Sâm để bổ khí, ích trí nhân để an tâm dưỡng thận. Ô mai, trúc lịch, trần bì, bán hạ, phục linh, cam thảo để lý khí hóa đờm.

Hiện nay nhiều người mắc chứng bệnh hay quên dùng thuốc hoạt huyết dưỡng não. Tuy nhiên, trong Y học cổ truyền với chứng hay quên cần dùng các bài thuốc bổ can thận, bổ tâm kiện tỳ hóa đàm chứ hoàn toàn không sử dụng thuốc hoạt huyết.

Thận chủ cốt tủy, tàng tinh. Tinh sinh khí, tinh sinh huyết, tủy sinh não. Để dưỡng não cần bổ thận chứ không phải là hoạt huyết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *